Think Better: Keys To Unlock Your Mind_14-15-16

Phần 1. Yêu bản thân

Chương 2. Trân trọng bản thân

14. Làm điều mình muốn

Trong suốt quá trình trưởng thành, chúng ta dần trở nên cực kỳ để ý đến suy nghĩ của kẻ khác. Lý do của việc này là bởi vì từ cha mẹ đến giáo viên cứ liên tục bảo ta phải “nghĩ xem mọi người xung quanh sẽ nói thế nào, hoặc giả sẽ nghĩ thế nào”. Và mãi như thế, việc bị kẻ khác nghĩ ra sao dần trở thành vấn đề được ưu tiên nhất trong lòng bạn.

Hệ quả, chúng ta trở thành người quá xem trọng việc kẻ khác nghĩ gì, rồi chỉ chăm chăm theo đuổi cuộc sống vì kẻ khác chứ không phải vì bản thân mình. Nói tóm lại, phương châm hành động của chúng ta là những điều mà kẻ khác mong đợi, được họ tán thành cứ không phải điều mà ta muốn làm nữa.

Càng ưu tiên cho ý kiến của kẻ khác lên ngôi, bạn sẽ càng đánh mất đi tự do được làm những điều mà bản thân thực sự mong muốn. Nếu cứ mãi như thế thì ngay đến cả việc suy nghĩ một cách tự do bạn cũng sẽ chẳng thể làm được nữa. Càng tệ hơn, bạn sẽ đặt nặng một cách thái quá việc kẻ khác nhìn nhận mình thế nào, rồi từ đó tự cho mình cái suy nghĩ bản thân là kẻ thấp kém hơn họ.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Càng ưu tiên cho ý kiến của kẻ khác thì bạn càng đánh mất đi tự do lựa chọn cách sống của riêng mình. 

15. Dành ra cho mình 30 phút mỗi ngày

Mỗi ngày, hãy hứa với chính mình thế này: dành lại ít nhất là 30 phút thật chất lượng cho bản thân để làm điều mà bạn thật sự thích thú. 

Nói thế không có nghĩa là bạn cần phải làm điều gì đó cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc đâu. Đọc một chương tiểu thuyết, viết dăm ba câu thơ, ăn món ngon bạn thích, hoặc giả chỉ cần ngồi yên một chỗ không làm gì để cho tâm hồn được tĩnh lặng…đơn giản thế cũng đủ rồi. Cho dù bạn chọn việc gì, chỉ cần nó mang lại cho bạn cảm giác mãn nguyện và thích thú thì như vậy đều ổn cả. 

Trong công cuộc chạy đua với công việc và cố gắng đáp ứng cho được những yêu cầu của gia đình và bạn bè, cuộc đời của chính bạn rất dễ trở thành vật hy sinh. Từ nay về sau hãy ý thức rằng, những điều tạo cho bạn cảm giác thỏa mãn là vô cùng cần thiết và vì thế, hãy sử dụng một khoảng thời gian nào đó trong ngày sống cho chính mình nhé.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn xứng đáng có được những khoảng thời gian thật chất lượng mỗi ngày để sống cho chính mình.

16. Không sống theo ý muốn của người khác

Có những kẻ luôn mang một thứ kỳ vọng vô lý với hành động của người khác. Và cũng chính những kẻ này sẽ bộc lộ rằng cảm xúc của họ đã bị tổn thương như thế nào nếu ta không làm đúng với những điều mà họ mong muốn bằng những lời lẽ như: “Đồ thiếu chu đáo”, “Đồ vô tâm”, “Cố ý cư xử lạnh nhạt” rồi hết lời trách móc đối phương.

Những kẻ có thái độ thế này biết một điều rằng nếu đối phương không nghe theo lời mình, thì việc nói ra những lời như thế sẽ là cách chiếm ưu thế và trừng phạt đối phương về mặt tinh thần. Họ dùng chiến lược đóng giả làm người bị hại để rồi đẩy đối phương trở thành vật hy sinh, với mục tiêu khiến đối phương bất an lo lắng, sau đó khi thứ tự ưu tiên đã bị thay đổi thì sẽ tuân theo lời mà họ nói. Nếu đối phương cảm thấy xấu hổ mà xin tạ lỗi nghĩa là họ đã thắng thế và dắt mũi được đối phương rồi. 

Liệu trên cõi đời này có tồn tại con người nào nắm giữ đặc quyền kỳ vọng vào việc đối phương luôn làm theo ý mình không? Tất nhiên, nếu họ có được sự đồng ý của đối phương hoặc giả họ có tư cách quản lý hành động của đối phương thì đấy lại là chuyện khác. Nhưng nếu không phải trường hợp đó, vậy thì trên đời này không có ai – dù chỉ một người – có thứ đặc quyền ấy trong tay đâu. 

Bạn chỉ cần ghi nhớ trong lòng luôn giữ cho mình hành vi cư xử đúng mực và một thái độ hòa hảo là đủ. Không cần thiết phải làm vui lòng kẻ khác đến mức hy sinh những điều bạn muốn.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Thực hiện những thứ chính mình muốn làm là điều quan trọng nhất.

Think Better: Keys To Unlock Your Mind_10-11-12-13

Phần 1. Yêu bản thân

Chương 2. Trân trọng bản thân

10. Tận hưởng công việc

Việc phải làm công việc mình ghét cay ghét đắng là một loại tra tấn. Nếu bạn đã chán công việc của mình thì buổi sáng thức dậy cũng mệt mỏi hơn, và chỉ nội xoay sở cách này cách khác để vượt qua được thêm một ngày nữa cũng đủ khiến bạn kiệt sức. Nếu thế, đừng nói gì đến niềm vui trong công việc, đầu óc bạn giờ đây chỉ rặt những suy nghĩ như kỳ nghỉ này đi đâu, cuối tuần này làm gì, rồi có lương thì tiêu làm sao… nhằm giúp bạn quên đi cái công việc ấy.

Vì lý do gì mà bạn cứ tiếp tục cái cuộc sống không mơ tưởng không kỳ vọng này thế? Bạn chán ngán công việc hiện tại thì cứ chuyển việc đi là xong. Sống ngày này qua tháng nọ làm việc mình không thích là một điều vô nghĩa. Tất nhiên, tôi nói điều này chỉ với điều kiện là bạn có thể chuyển việc ngay được thôi. Chắc hẳn vẫn còn rất nhiều trường hợp phải chăm lo cho gia đình, rồi điều kiện kinh tế không cho phép.v.v nữa, nhưng không có nghĩa vì thế mà bạn không cần phải chuẩn bị gì cho tương lai của mình đâu nhé.

Vậy thì, phải bắt đầu từ đâu? Đầu tiên, bạn cần bắt đầu bằng quyết tâm tuyệt đối – thứ cần thiết để thay đổi quỹ đạo vốn có. Tiếp theo, bạn cần chọn cho mình mục tiêu, xây dựng một kế hoạch thực tiễn và thực hiện nó theo từng giai đoạn. Chính là hai điều này.

Yêu công việc của mình còn giúp bạn gây tác động tốt đến mọi người xung quanh. Khi có thể tận hưởng công việc, bạn sẽ thấy tâm trạng hạnh phúc hơn và người ở cạnh bạn cũng sẽ thấy vui vẻ. Còn đối với những khách hàng, họ sẽ nhận được những sản phẩm và dịch vụ đầy ắp yêu thương mà bạn góp phần làm ra.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn xứng đáng có một công việc làm cho bạn vui vẻ thật sự.

11. Không lo lắng việc người ta nghĩ gì về mình

Trong lúc bạn đang lo lắng người ta nghĩ thế nào về mình, có thể đối phương cũng đang lo không biết bạn nghĩ về người ta như thế nào đấy.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn sẽ càng tạo được ấn tượng tốt hơn đến người khác nếu càng thoải mái về việc mình bị nhìn nhận như thế nào.

12. Tin tưởng tuyệt đối bản thân sẽ được hạnh phúc

Bạn có đang hài lòng với lối sống, công việc, các mối quan hệ xã giao và gia đình của mình không? Nếu bạn thấy có điều bất mãn và muốn thay đổi nó, thế cũng không sao cả. Nhất định đều có thể.

Phần lớn những tình huống khiến chúng ta bị đùn đẩy vào tình trạng hiện tại đều không phải là ngẫu nhiên. Chúng ta sẽ thu gặt được những mối quan hệ và hoàn cảnh phù hợp với mình tùy theo mức độ lòng tự tôn của chính chúng ta. (Tuy nhiên phải nói, đó đều bắt nguồn từ những hành vi vô thức của bạn, nên có thể sẽ không giống với trường hợp những điều bạn mong muốn một cách có ý thức đâu)

Chính vì thế, một người với lòng tự tôn cao đẹp sẽ kỳ vọng nơi kẻ khác sự tôn trọng, sự hợp tác cùng tình hữu hảo, và rồi người đó sẽ dần đạt được phần lớn những điều trên. Ngược lại, người với lòng tự tôn nghèo nàn thường sẽ bị cuốn ngay vào những tình huống khó xử, từ đó lôi kéo theo hàng đống những sự tình tệ hại khác thậm chí kể cả việc gièm pha bôi nhọ lẫn nhau.

Thế để bẻ lái cuộc đời bạn sang chiều hướng tốt hơn thì phải làm thế nào? Điều đó nằm ở việc bạn phải tập trung ý thức về việc nâng cao lòng tự tôn của mình. Làm thế sẽ khiến mong muốn được hạnh phúc của bạn ngày càng mạnh mẽ hơn. Chỉ cần từ trong sâu thẳm thâm tâm bạn tin chắc rằng mình là con người xứng đáng được hạnh phúc, những việc còn lại sẽ đơn giản vô cùng. Khi đó bạn chỉ việc chọn ra phương pháp an toàn và cần thiết nhất để mang lại hạnh phúc cho mình là đủ.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn là con người có đủ tư cách để đón nhận một cuộc sống tốt đẹp. 

13. Chấp nhận con người vốn có của mình

Sâu trong lòng, chúng ta thường hay chơi cái trò “Giá mà…, thì tôi cũng… rồi” lắm. Giả dụ như,

  “Giá mà bỏ được cái này thì tôi cũng là người tốt rồi”

  “Giá mà bắt đầu bằng việc khác thì tôi cũng có thể thành công được vậy”

  “Giá mà có thứ này thì tôi xem như cũng là con người có giá trị rồi”

Những nguyện vọng này chối bỏ chính cái suy nghĩ rằng bạn của bây giờ đã rất tốt, và về bản chất nó trì hoãn việc bạn chấp nhận bản thân mình vô thời hạn. Kết quả, trong mắt bản thân, bạn sẽ luôn là một kẻ chẳng được tích sự gì.

Nhưng thực tế, bạn hãy cứ là con người như bản chất vốn dĩ là được. Cần thiết gì phải thay đổi một cách gượng ép chứ? Không liên quan đến những đặc điểm cá nhân, bạn luôn luôn là con người có giá trị toàn vẹn về mọi mặt.

Vì thế, từ nay về sau hãy thường xuyên tự nói với mình thế này.

“Tôi là con người không ngừng tiến bộ, và tôi sẽ cố gắng sống một cách tuyệt vời nhất ở thời điểm hiện tại. Nếu tương lai có thể trở nên tốt hơn, vậy thì tôi sẽ tiếp tục cố gắng sống tốt nhất cho thời điểm ấy.”

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bản chất con người bạn ở hiện tại chính là sự tồn tại mang giá trị toàn vẹn.

Think Better: Keys To Unlock Your Mind_6-7-8-9

Phần 1. Yêu bản thân

Chương 1. Sống vị tha với chính mình

6. Thất bại càng nhiều, học càng nhiều

Thật tốt nếu từ khi sinh ra chúng ta liền nhận được một cuốn cẩm nang “Phương pháp phòng tránh 100% thất bại trong cuộc sống”, nhưng đáng tiếc, cuốn sách này vẫn chưa được xuất bản đâu. Có thể vì thế mà trong cuộc sống, chúng ta vấp ngã hết lần này đến lần khác. Thậm chí có những lần thất bại khiến ta gần như cảm thấy tuyệt vọng vô cùng.

Khi rơi vào nghịch cảnh cùng cực, chúng ta thường bỏ sót mất một sự thật tối quan trọng. Đó chính là việc chúng ta thất bại là điều không thể thiếu trong quá trình học hỏi.

Thất bại chính là cơ hội vô cùng tốt để bạn học những điều quý giá. Bởi vì sao? Vì cứ mỗi lần thất bại là lại thêm một giải pháp sai lầm bị loại bỏ, và bạn bước thêm một bước nữa đến gần với giải pháp đúng đắn hơn.

Từ nay về sau, bạn thử thay đổi cách suy nghĩ rằng bản thân mình có quyền tự do được vấp ngã xem sao? Làm thế, tôi đoan chắc bạn sẽ học thêm được càng nhiều những kỹ năng mới và khả năng thành công của bạn cũng càng được nâng cao.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Tất cả thất bại trong đời là cơ hội tuyệt vời để học hỏi. Người nhận thức được điều đó mới là kẻ khôn ngoan.

7. Đường đường chính chính mà thừa nhận lỗi lầm

Có nhiều người không thích thừa nhận những lỗi lầm và thất bại của mình. Nguyên do là bởi vì họ bị cảm giác tự trách cứ bản thân dằn vặt đến quá mức chịu đựng rồi, và không muốn mình phải khổ sở như vậy nữa. Cứ mỗi khi biết mình đã làm sai thì trong đáy lòng họ lại nảy sinh cảm giác khó chịu đau khổ. Vì thế để mọi thứ trải qua nhẹ nhàng hơn, họ tự mình tin rằng bản thân luôn luôn đúng, không những thế còn mong người khác tin tưởng như vậy giống mình.

Nhưng bạn nghĩ đi, có cần thiết cứ phải căng mình lên mà sống thế không? Bạn làm sai rồi thì cứ đường đường chính chính mà thừa nhận là được mà. Vì có cần thiết bạn phải lúc nào cũng đúng đâu? Chẳng có ai trục xuất bạn ra khỏi xã hội này chỉ vì bạn lỡ sai một chút cả. Giống như việc không phải cứ người nào luôn đúng thì người đó là kẻ xuất sắc, bạn thất bại không có nghĩa là con người bạn thua kém.

Bạn phạm phải sai lầm không phải vì bạn là người yếu kém, mà đơn giản chỉ vì bạn là con người mà thôi. Việc nhìn thẳng về phía trước mà thừa nhận lỗi lầm chính là minh chứng cho việc bạn là con người chín chắn và đó cũng là thước đo cho một lòng tự tôn tốt đẹp.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Dù bạn làm đúng hay làm sai, bạn luôn luôn là con người có giá trị tồn tại. 

8. Chịu trách nhiệm với tâm trạng của bản thân

Cuộc đời hạnh phúc bao nhiêu là do nhân sinh quan của bạn. Hạnh phúc ở đây không phải là bạn gặp việc gì tốt thì thấy tâm trạng vui vẻ, mà cái tôi muốn ám chỉ sau cùng là trạng thái tinh thần được sinh ra một cách tự phát trong con người bạn.

Vậy tôi xin phép giới thiệu cho bạn một sự thật bất ngờ này. Bạn có thể làm gia tăng cảm giác hạnh phúc với việc luyện tập! 5 phút mỗi ngày, hãy luyện tập tự ý thức về cảm giác hạnh phúc xem sao? Bạn không cần bất kỳ lý do nào cả, đơn giản cứ đặt mình vào tâm trạng hạnh phúc hơn thôi. 

Đầu tiên, hãy nhớ lại cái ngày hạnh phúc nhất bạn từng có. Ngày hôm ấy, bạn đã trải qua tâm trạng thế nào? Giờ hãy khơi dậy tâm trạng đó và trải nghiệm lại một lần nữa. Nếu bạn thực hiện bài luyện tập này hằng ngày, chắc hẳn bạn có thể điều khiển tâm trạng mình tùy theo ý muốn, cùng lúc đó khiến mỗi ngày trôi qua với tâm trạng càng hạnh phúc hơn.

Niềm hạnh phúc là thứ mà mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cũng giống như lòng tự tôn vậy. Đôi khi bạn cũng có thể nhận được niềm hạnh phúc ai đó trao cho, nhưng về cuối cùng, người nắm giữ được con tim bạn thì chỉ có mỗi bạn mà thôi.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Lúc nào cũng giữ một tâm trạng hạnh phúc cho mình nhé.

9. Không chê bai chính mình

Bạn phải luôn dùng những lời lẽ tích cực khi tự nói chuyện một mình. Khi rơi vào một tình huống tự phê phán dù với bất kỳ lý do gì, bạn phải lập tức dừng ngay. Con người không hoàn hảo. Bạn cứ lấy chính cái không hoàn hảo ấy làm vấn đề thì liệu được ích lợi gì?

“Mình là đồ ngu”, “Đúng là cuộc đời bỏ đi”, “Đầu óc dốt nát”, “Chỉ làm được đến thế là cùng”… là những điều mà bạn tuyệt đối không được suy nghĩ đến và nói ra miệng. Cùng với việc quét sạch những lời trên, bạn hãy vứt ngay cả những câu như “Mình mập quá”, “Phong cách tệ hại”, “Mặt mũi chẳng ra gì”. 

Khi tự chê bai mình, bạn sẽ luôn nhấn mạnh vào những nhược điểm mà bỏ quên đi những ưu điểm của bản thân một cách rất vô lý. Trên đời này đã sẵn có hàng đống người muốn đổ lỗi cho bạn những việc thậm chí không hề thuộc trách nhiệm của bạn. Vậy tại sao bạn lại cần phải hùa vào với họ và tự đi trách cứ chính mình chứ?

*Cách suy nghĩ tích cực*

Tự nói với mình những lời tích cực sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự tôn hơn.

Think Better: Keys To Unlock Your Mind_1-2-3-4-5

Phần 1. Yêu bản thân

Chương 1. Sống vị tha với chính mình

1. Tha thứ cho bản thân

Đừng trách cứ bản thân mình vì mắc sai lầm nữa. 

Bạn không được mắng chửi, chỉ trích bản thân là kẻ ngu ngốc. Vì nếu làm thế, bạn sẽ có cảm giác phải chăng tất cả những thứ mình làm đều là sai lầm, và điều ấy chỉ khiến bạn lặp đi lặp lại sai lầm hết lần này đến lần khác mà thôi. 

Thay vì vậy, kể cả khi phạm phải sai lầm, bạn hãy tự thì thầm kẽ trong lòng rằng, “Không sao cả, rồi sẽ ổn thôi”. Khi đó, áp lực đè nén lên bạn sẽ vơi dần đi, còn lỗi sai kia sẽ khó mà bị lặp lại.

Vị tha hơn cho chính bản thân mình còn mang cho bạn những điều tốt đẹp khác. Tránh khỏi cảm giác dằn vặt trăn trở với quyết định sai lầm của mình, bạn sẽ có thời gian để rút ra bài học về nguyên nhân vì sao mình sai. Rồi từ đó bạn mới có thể vạch lên phương án nhằm giúp bản thân tránh lặp lại nó từ nay về sau.

Ai trên đời này cũng đều có những lựa chọn sai lầm, nhưng đó đâu phải là điều ta cố ý chọn. Chắc hẳn chẳng ai lấy việc biến cuộc đời mình trở nên thảm hại làm mục tiêu sống cả mà, phải không?

Từ nay về sau khi lại mắc phải sai lầm, xin bạn đừng quên việc ấy là hoàn toàn bình thường, rằng ai cũng có lúc phải sai lầm cả, và hãy tha thứ cho bản thân 100% kể cả cho dù lỗi sai ấy có nghiêm trọng thế nào.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Hãy vị tha cho bản thân lúc phạm sai lầm. Khi đó bạn sẽ tránh được việc lặp lại sai lầm ấy trong tương lai. 

2. Không ngừng ý thức về sở trường của bản thân

Nếu bạn tập trung ý thức về một thứ gì đó, nó sẽ phát triển. Chẳng hạn như khi bạn nhiều lần khen ngợi về sở trường của đối phương, điểm mạnh của họ sẽ càng được bộc lộ, ngược lại nếu bạn cứ bới lông tìm vết, thì bao nhiêu cái xấu cũng tìm ra.

Bạn hãy không ngừng ý thức về sở trường của mình, cũng như những thứ mà mình được ban tặng trong cuộc sống. Từ đó, sở trường của bạn sẽ có cơ hội được mài giũa, và những thứ bạn nhận được trong đời cũng ngày một lớn hơn.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Ý thức về sở trường của mình là bạn đang tạo cho nó cơ hội phát triển hơn nữa.

3. Thẳng thắn từ chối điều mình không muốn

Dù bạn không thích hay không tiện, thì vẫn có những người cứ muốn đùn đẩy việc của họ sang cho bạn. Rồi giả như bạn chịu thua lời nhờ vả của họ mà nhận công việc này, thì kết cục lại sẽ là bạn hoặc cảm thấy phẫn nộ giận dữ, hoặc cảm thấy như thể mình là vật hy sinh cho kẻ khác.

Cho dù bạn có thể đã nghĩ sẵn rất nhiều lý do để tránh khỏi tình huống này nhưng cũng hiếm khi nào suôn sẻ thoái thác được. Lúc nào cũng toàn là đối phương khua môi múa mép đưa ra hàng tá lý do để thuyết phục bạn mà thôi.

Vào những lúc như thế, bạn cứ thẳng thừng từ chối là được. Cách tối nhất là cứ nói thẳng ra câu “Tôi không thích làm việc đó”, chẳng cần thêm bất kỳ lý do nào cả.

Đối phương đã chẳng thắc mắc gì khi cứ dồn ép yêu cầu của mình vào bạn, thế thì sao bạn lại cần phải hoài nghi với việc từ chối họ thẳng thừng chứ?

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn không có nghĩa vụ phải tiếp nhận những việc không phải là trách nhiệm của mình.

4. Không tiếp xúc với những người hay nói những điều khó nghe

Có những người hay cố tình nói những lời khó nghe khiến cho đối phương cảm thấy không thoải mái. Tôi cũng chẳng muốn tin rằng những người như thế là có thật đâu, nhưng đáng tiếc, thực tế chúng ta vẫn gặp phải họ trong cuộc sống này. Tuy vậy, bọn họ không phải là những kẻ đáng bị chỉ trích, mà thật ra họ là những người mà bạn cần phải cảm thông.

Những người này mang trong mình thứ tật xấu bất hạnh là lối suy nghĩ muốn chê bai người khác, làm cho họ cảm thấy tệ hại mỗi khi tìm thấy một kẻ dễ công kích. Và cách lợi dụng đối phương khiến mình có cảm giác bản thân ưu việt này sẽ giúp bổ khuyết vào sự thiếu hụt lòng tự tôn trong họ.

Nếu bạn cứ tức giận, cứ tự hủy hoại tâm trạng của mình với từng lời của những kẻ như thế, thì chính là bạn đang đi theo đúng ý đồ mà họ mong muốn. Tốt nhất là cho đến khi nào thảnh thơi hơn, bạn cứ cố hết sức tránh tiếp xúc với họ đi. Suy nghĩ muốn nói gì đó để trả đũa trái lại sẽ phản tác dụng. Hãy cứ tập trung vào làm chuyện của bạn thôi, còn lại cứ tủm tỉm cười chẳng cần nói gì, hoặc ừ hử phản ứng lấy lệ cho qua chuyện là được. Chẳng có lý do gì để bạn phải hy sinh sự tự tôn của bản thân mình để nâng cao lòng tự tôn của kẻ khác cả.

*Cách suy nghĩ tích cực*

Bạn không cần thiết phải làm mình khó chịu chỉ để khiến kẻ khác cảm thấy vui.

5. Không đánh giá người khác qua địa vị và tài sản

Từ khi còn nhỏ, chúng ta hay được dạy phải tôn kính một số người nhất định. Chúng ta được gieo vào đầu tư tưởng những người có tri thức, học thức, địa vị, danh tiếng, tài sản..v.v là những con người ưu tú xứng đáng với sự ca tụng và kính trọng. 

Việc những người có những điều trên khác với những kẻ không sở hữu chúng là sự thật. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả bọn họ đều là những người xuất chúng. Dựa trên những thứ này để đánh giá người khác chỉ là sự phân biệt qua hình thức bên ngoài, và nó quá sức mơ hồ để có thể trở thành tiêu chuẩn đánh giá họ xứng đáng với sự tôn kính và danh tiếng. Điều này chẳng khác gì việc bạn tin tưởng rằng một người tuyệt vời hơn người khác chỉ vì họ có ngón tay cái và cái mũi to hơn vậy!

*Cách suy nghĩ tích cực*

Không có cơ sở nào minh chứng cho việc người có tài sản và địa vị thì sẽ có giá trị hơn bản thân bạn cả.

Think Better: Keys To Unlock Your Mind_Giới thiệu

Cách dùng cuốn sách này

Có vô vàn cách để thực hành các ý tưởng mà tôi đưa ra. Bạn có thể luyện tập mỗi điều hàng tuần xuyên suốt trong một năm, hoặc cũng có thể chọn ra những điều phù hợp với hoàn cảnh của mình rồi thực hành chúng. Nếu chọn làm theo cách thứ hai thì chẳng cần liên quan đến thứ tự, bạn có thể bắt đầu đọc từ bất kỳ đâu trong cuốn sách này.

Từ ngữ được sử dụng trong sách có thể bình dị, nhưng nội dung của nó mang theo những chỉ dẫn quan trọng ẩn chứa sức mạnh làm thay đổi cuộc đời bạn. Tuy nhiên, cho dù bạn muốn nâng cao lòng tự tôn và mang đến cho mình một cuộc sống tươi sáng vẹn toàn hơn, thì việc chỉ đọc qua cho hiểu còn lại vẫn duy trì lối sống cũ sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu bạn mong muốn hiệu quả lâu dài thay vì sự hăng hái nhất thời, bạn cần phải thực hành những ý tưởng này. Cuối mỗi bài, tôi sẽ tóm tắt lại nội dung trong phần in đậm “Cách suy nghĩ tích cực”, bạn hãy đọc đi đọc lại cho đến khi ghi nhớ thật kỹ câu nói đó. 

Rất nhiều người thường có khuynh hướng làm ngơ đi những sự thật rất đỗi bình thường trong cuộc sống mà tôi viết ra đây. Vì thế, có thể sẽ có những phần nào đó trong cuốn sách mà bạn không đồng tình với tôi. Nhưng nếu bạn là người ủng hộ cách nghĩ của tôi hoàn toàn thì sẽ chuyện sẽ thật dễ dàng. Như chính bản thân tôi đây cũng đã có những bài học rất khó khăn mà tôi không hề muốn đối mặt. Nhưng không thể vì thế mà tôi bỏ qua được việc điều đó là chân lý, thế nên kết cục là tôi phải đau khổ hết lần này đến lần khác cho đến ngày ghi nhớ được những bài học ấy. 

Một lời cuối, tôi muốn nói với bạn rằng, trước khi thực hành những ý tưởng trong sách, tôi mong bạn hãy nghiền ngẫm thật kỹ xem liệu nó sẽ mang đến những ảnh hưởng như thế nào với cuộc đời bạn. Bất cứ công cụ nào dù tiện lợi đến đâu, khi dùng sai phương pháp hoặc dùng mà không nghĩ đến kết quả thì đều có khả năng gây hại cho bạn cả. 

Tôi mong bạn tận hưởng cuốn sách này.

[ML] Think Better: Keys To Unlock Your Mind

Tên khác: 52 things you can do to raise you self-esteem; Think better: Key to unlock your mind

Tác giả: Jerry Minchinton

P/s: dịch từ bản dịch tiếng Nhật.

Lòng tự tôn* là gì?

Chủ đề xuyên suốt của cuốn sách này là về vấn đề “Làm thế nào để nâng cao lòng tự tôn”.

Thế lòng tự tôn là gì? Nói một cách đơn giản, nó là sự yêu quý chính bản thân mình, là sự tin tưởng vào việc bản thân xứng đáng với một cuộc đời tuyệt vời như bao con người khác.

Thế lòng tự tôn có quan trọng không? Câu trả lời là “có”. Bởi vì nó mang lại ảnh hưởng to lớn đến hầu hết mọi giai đoạn cuộc đời bạn. Từ các mối quan hệ người với người, sự tự tin, lựa chọn nghề nghiệp, hạnh phúc, sự yên bình trong tâm hồn, cho đến cả thành công, tất cả những thứ này đều có mối quan hệ chặt chẽ với lòng tự tôn cả.

Thế tại sao con người lại khốn đốn đến thế khi thiếu đi lòng tự tôn? Bởi vì trong suốt quá trình trưởng thành, bất cứ ai cũng đều có những trải nghiệm không mấy dễ chịu khiến ta dần nảy sinh ác cảm với chính bản thân mình. Khi những trải nghiệm ấy ngày càng nhiều lên, trong lòng bạn sẽ dần tin tưởng vào 3 điều sau.

 (1) Mình là một kẻ yếu ớt thảm hại chẳng thể thay đổi được nhân sinh của bản thân.

 (2) Mình là một kẻ không hoàn hảo, thấp kém hơn so với mọi người.

 (3) Mình là một kẻ vốn sinh ra đã đầy rẫy những khiếm khuyết.

 Việc lấy lại lòng tự tôn không khó đến thế, chỉ cần bạn chịu thay đổi cách suy nghĩ về bản thân mình là được. Để làm được điều này, bạn phải có niềm tin chắc chắn vào việc mình là người có thể tạo dựng nên cuộc sống của chính bản thân, phải luôn nhìn nhận giá trị vốn có của mình. Nếu làm được điều này, bạn sẽ có thể rũ bỏ được 3 suy nghĩ sai lầm trên.

Bạn hãy dành ra một ít thời gian cho việc nâng cao lòng tự tôn. Và thứ bạn nhận lại ắt hẳn sẽ là một niềm tin vững chắc về bản thân, những mối quan hệ tuyệt vời và một cuộc đời đầy lạc quan. Tuy nhiên, thứ to lớn nhất dành cho bạn đó chính là một “self-image” (sự tự nhận thức về bản thân) mới. Vì khi đó bạn sẽ nhìn thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều và hơn nữa, thay đổi thành một người càng hạnh phúc hơn. 

*: tiếng Anh là “self-esteem”, tiếng Nhật là “自尊心”, mang nghĩa “sự thừa nhận và đánh giá cao giá trị của bản thân, có sự tự tin trong hành động và suy nghĩ cũng như nhân cách của mình”. Tiếng Việt thì mình chưa tìm ra từ nào đủ hay ho để dùng, nên xài từ mọi người hay dùng để dịch nhất là “lòng tự tôn”.

[Mục lục]

Cách dùng cuốn sách này

Phần 1: Yêu bản thân

Chương 1: Sống vị tha với chính mình

1-2-3-4-5

6-7-8-9

Chương 2. Trân trọng bản thân

10-11-12-13

14-15-16

[Tản mạn] ‘Thơ thẩn’

“Thơ thẩn”. Mình thích từ “thơ thẩn”. Học tiếng Anh, rồi Nhật, nhưng mình vẫn không biết “thơ thẩn” diễn đạt trong những ngôn ngữ ấy như thế nào.
“Thơ thẩn”. 25 năm tồn tại, thơ thẩn là những phút giây thả hồn mình dành cho bản thân. Mình thích “thơ thẩn”.
“Ngồi thơ thẩn”, “đứng thơ thẩn”, “đi thơ thẩn”… dù mình có làm gì thì lúc đó, không gian (hay là cả vũ trụ xung quanh) đều bị như bị nhúng vào nước với những âm thanh lùng bục không rõ ràng. Và mọi thứ nhón chân rón rén lướt qua não với bóng hình mờ nhạt.
“Thơ thẩn”. Lạ là hai con mắt mình luôn mở thao láo, nhưng chưa từng một lần thực sự nhìn. Và trông mình như con cá nhỏ đang trợn trừng mà ngủ, là là đưa theo dòng nước êm. 

Dạo này mình nhận ra thời gian mình ở bên “thơ thẩn” ít lắm. Không phải là tụi mình chia tay nhau, chỉ là mình thấy em “điện thoại” hay hơn nhiều.
Em “điện thoại” là đối thủ hạng nặng. Ngày xưa mình thậm chí còn không bỏ qua “thơ thẩn” khi chơi với “máy tính” kia. Nhưng “điện thoại” hay lắm, lúc nhìn “điện thoại”, mình đá văng cả “thơ thẩn” ra khỏi đầu.

Người ta ít ai thích “Thơ thẩn”. Đứng trước “điện thoại”, chắc “thơ thẩn” chỉ cỡ hạng lông thôi. Có người còn chửi khi mình ở bên “thơ thẩn”, mặt mình trông ngu.

Dạo này mình thấy vắng vắng, nhìn lại thì “thơ thẩn” đã trốn mất. Em không bỏ đi, em chỉ núp vào miếng gỗ đen đen mọc le que vài cây rong đong đưa.
Nhớ lúc mình chạy lại kêu “thơ thẩn”, chỉ thấy hai con mắt của “thơ thẩn” qua khe nhỏ, “Thơ thẩn” không nói, mấy người biết em vốn là người trầm lặng mà.
Mình nhớ “thơ thẩn”. “Thơ thẩn” đem hồn mình thả ra, là chắc chắn câu về vài thứ mới lạ. Có ý tưởng mới, có kỷ niệm cũ, có giai điệu lạ, có câu văn từng quên…
Mình nhớ “thơ thẩn”, xin em quay về. Nhưng không bỏ “điện thoại”, là mình đang tập chung sống hài hòa với tất cả. “Thơ thẩn” có từng hỏi, “mặt ngu không sao à?” Mình lắc, “thật ra ở với điện thoại nhiều quá mặt cũng ngu mà, không sao”.

[Tản mạn] Mình đang “sống tốt”, bạn ơi!

Chuyện là hôm trước có bạn hỏi mình một câu “Chắc giờ sống tốt lắm nhờ?”. Lúc sau mình nghĩ lại thì mới thấy thắc mắc, phải sống như thế nào thì mới gọi là “sống tốt”? Hay nói đúng hơn, cái hình dung “sống tốt” mà đối phương nghĩ đến nó như thế nào?

“Sống tốt” của bạn là rời xa VN sang sống ở những nước phát triển hơn, từ trên xuống dưới xài toàn những đồ công nghệ đời mới nhất. Facebook có vài ngàn bạn, tuần post bài 7 lần toàn hình căn chỉnh sâu deep photoshop hoàn hảo, mỗi hình ít nhất phải 200 likes?

Hay “sống tốt” của bạn là cuộc sống dư dả chỉ dùng mỹ phẩm high-end quần áo hàng hiệu theo kịp trend, ra đường luôn make up đầy đủ lộng lẫy khiến người người ganh tị, 1 tuần đi spa chăm sóc làm đẹp một lần, không cần làm việc nhà để khỏi hư da tay?

Hay “sống tốt” của bạn là sắm nhà, sắm xe, mua Iphone Macbook tất tần tật… năm đi du lịch 4, 5 lần, mỗi lần phải thoả sức mua sắm tung bay, passport phải đóng đầy dấu visa Âu Mỹ?

Hay “sống tốt” của bạn là gia đình bạn bè khoẻ mạnh, công việc được xem như ổn, mỗi ngày mỗi tuần ăn uống sinh hoạt tiết kiệm một chút gom góp lại để năm đi du lịch xa 1 lần. Cuối tuần không nghỉ ngơi mà mặc áo thun quần jean mang đôi bata rách vác cặp lên đi học, thế nhưng lại cảm thấy rất vui vì mình biết thêm nhiều thứ. Nhiều lúc công việc khó khăn chán nản đến bức tóc vẫn có đồng nghiệp ngồi bức tóc với mình. Facebook chỉ lèo tèo 200 bạn, bài post lên nhiều khi chẳng ai thèm đọc nhưng khi thực sự gặp khó khăn, chỉ cần gọi một tiếng thì chắc chắc sẽ có người vươn tay ra giúp đỡ. Ngược lại, cũng có những người tin tưởng lắng nghe lời khuyên của mình lúc họ cần. Ngoại hình quần áo tầm thường đến mức đi ra đường là ngay lập tức chìm nghỉm giữa dòng người, nhưng bên trong thì không ngừng thay đổi để hoàn thiện và phát triển hơn?

Nếu nhận định “sống tốt” của bạn là cái cuối thì mình sẽ trả lời là “có, mình đang sống tốt!”. Nhưng bạn ơi, thực ra câu hỏi này, theo mình, nó sai từ trong bản chất!

Khi bạn hỏi mình câu đó, bạn có thật sự muốn nhận được câu trả lời của đối phương? Hay bạn đã có cái nhận định cho riêng mình rồi? Việc bạn hỏi một cách hời hợt cũng không khác gì việc bạn áp cái định nghĩa “sống tốt” của bạn lên mình cả. Câu hỏi như thế này thì chẳng có cách nào trả lời cho toàn vẹn hết. Nếu họ nói “Yes”, thì bạn sẽ nghĩ kiểu “nhìn là biết ngay mà”, còn nếu họ trả lời “No”, thì bạn sẽ muốn người ta phải biện hộ, tranh luận với bạn xem thử lý do của ai là đúng hơn (mà chắc gì bạn đã tin lý do của họ), có phải hay không?

Mỗi người đều có nhân sinh quan, giá trị quan, hoàn cảnh sống khác nhau. Nên cái tốt của bạn chưa chắc người ta đã thấy tốt, còn cái xấu của người ta thì không hẳn bạn cũng thấy xấu mà? Bản chất câu này hỏi ra đã khiến mình không biết phải trả lời như thế nào rồi bạn ạ.

Nếu thực lòng quan tâm muốn biết một người liệu có đang sống tốt, có đang hạnh phúc không, thì hãy hỏi “Bạn thấy mình có đang hạnh phúc không?” rồi lắng nghe cảm nhận từ chính bản thân họ. Đừng tự nhìn rồi đánh giá dựa theo cảm tính chủ quan của mình rồi áp đặt lên họ, chẳng có ý nghĩa gì đâu…

[Review] Hoạt hình Trung Quốc “The Legend of Luo Xiao Hei”

Hôm trước, lần đầu tiên mình đi ra rạp xem một bộ anime Trung Quốc. Tên tiếng Trung là “罗小黑战记”, tạm dịch “Cuộc hành trình của Tiểu Hắc”, còn tiếng Anh thì là “The legend of Luo Xiao Hei”. Poster của em nó có hình mèo Tiểu Hắc cực kỳ dễ thương như thế này đây.

Lúc nhìn poster phim hình con mèo, mình chỉ nghĩ đây phim kiểu slice of life giống kiểu “Chii’s Sweet Home” của Nhật. Thế nhưng khi tới rạp để xem thì hóa ra bộ phim hoàn toàn khác. Vậy rốt cuộc bộ anime này như thế nào đây? Mình sẽ review ở bên dưới nhé.

“Cuộc hành trình của Tiểu Hắc” ban đầu là một phim hoạt hình web do họa sĩ MTJJ sáng tạo. Đến tháng 3/2018 đã có 27 tập phim chính và 3 tập extra được lên sóng. Ngoài ra phim còn có series sticker rất được yêu thích trên Wechat nữa. Nội dung của phim hoạt hình được chiếu trên web kẻ về một linh hồn bị mắc kẹt trong thân xác của một con mèo nhỏ màu đen. Mèo nhỏ tình cờ được một cô bé tên Tiểu Bạch nhặt được và mang về nuôi dưỡng, đặt tên Tiểu Hắc.

Tuy nhiên, sang movie thì cốt truyện có hướng triển khai khác khiến mình rất bất ngờ. Trong phần movie này, Tiểu Hắc biến được trở lại thành hình dạng người (một đứa trẻ). Vì mang trong mình tiềm năng sức mạnh về “Không gian tâm linh” lớn nên Tiểu Hắc vô tình bị cuốn vào cuộc chiến của Phong Tức – yêu quái muốn xóa sạch loài người và Vô Hạn cùng Hội Quán – những yêu quái muốn duy trì sự cân bằng trong sự tồn tại của con người và yêu quái trong xã hội hiện đại. Cả bộ phim là cuộc hành trình Tiểu Hắc rèn giũa bản thân, khám phá thế giới loài người và đi tìm ra một nơi bản thân mình thuộc về.

Đây là trailer của phim.

Đối với mình, một người yêu thích và đã từng xem khá nhiều anime Nhật thì bộ phim này xem không uổng chút nào. Mình cảm thấy hấp dẫn, vui vẻ và tận hương bộ phim từ đầu đến cuối. Cái ăn điểm ở đây không phải nằm ở story lạ hay animation đẹp hoa lệ (ngược lại nét vẽ của phim theo mình khá mộc mạc), cái thú vị của bộ phim nằm ở cái cảm giác mà nó mang lại cho bạn – hương vị rất “Trung Hoa” trong tác phẩm.

Không phải chỉ nằm ở quần áo tên tuổi nhân vật, cái nét Trung đó hiển hiện ở từng câu thoại của nhân vật một cách rất riêng biệt. Nếu ai thường hay đọc tiểu thuyết mạng hay các web manga của Trung Quốc thì có thể sẽ khá quen với kiểu hội thoại này. Điều đó tạo ấn tượng với mình khá lớn. Bởi các bạn cũng biết, anime của Nhật hay Mỹ đã đạt được vô số thành công trên thế giới. Cả hai đều tạo được tượng đài tên tuổi riêng với phong cách đặc trưng mang đậm văn hóa của mỗi nước. Nên mình đã đến rạp với mong muốn có thể xem một bộ phim mang hơi hướm của Trung Quốc, không bị lẫn tạp với bất kỳ phong cách nào. Và bộ phim này đã không khiến mình phải thất vọng.

Dạo gần đây giới phim hoạt hình Trung Quốc phát triển vượt bậc, mà bộ phim này cũng là một trong những minh chứng của điều đó. Không chỉ nét vẽ và story, việc tạo cho người xem cái ấn tượng mạnh mẽ rằng “Đây là phim của Trung Quốc!”, theo mình, cũng chính là một thành công lớn. Chị bạn người Trung cùng đi với mình đã nói một cách đầy tự hào thế này sau khi xem xong, “Khoảng hai mấy năm trước, lúc thế hệ 8X còn nhỏ thì trên TV suốt ngày chiếu hoạt hình Nhật, Mỹ thôi. Theo chị, nói là anime Nhật đã mang đến những bộ phim “đầy ắp giấc mơ” cũng không ngoa đâu. Còn bây giờ – hai mấy năm sau, trong thế hệ 8X lại bắt đầu xuất hiện những đạo diễn tài năng tự tay tạo nên những bộ phim “đầy ắp giấc mơ” mang hơi thở dân tộc cho chính đất nước mình”.

Nói tóm lại, bộ này thực sự đáng xem (chỉ là mình nghĩ chắc không được chiếu ở Việt Nam quá). Rất recommend cho những ai thích kiểu phim hoạt hình nội dung dễ hiểu, hài hước, không quá nặng nề, có xen lẫn hành động. Đặc biệt các bạn thích động vật, yêu mèo, mê couple trai đẹp và mèo… thì càng không thể bỏ qua. Ai xem được tiếng Trung tiếng Anh có cơ hội thì nhất định hãy dành thời gian cho em nó nhé! Couple chính Tiểu Hắc và Vô Hạn kawaii~~ hết chỗ chê luôn đấy.

Design a site like this with WordPress.com
Get started